Phát triển ngành cơ khí gắn với nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tích hợp công nghệ cao
Với khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, ngành cơ khí đã bước đầu hình thành được một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực.
Chế tạo nhiều sản phẩm
Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua ngành cơ khí Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc, khi các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực và thực hiện tổng thầu thành công nhiều công trình lớn với tỷ lệ nội địa hóa cao, trong các lĩnh vực như: thiết bị toàn bộ cho các công trình lớn, các công trình trọng điểm điện, thép, xi măng, alumin, khai thác và chế biến khoáng sản, đường, chế biến mủ cao su…
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã chế tạo được thiết bị cơ khí thuỷ công của các nhà máy thủy điện lớn, nhỏ. Nhiều thiết bị cơ khí thuỷ công có tổng trọng lượng lên tới hàng chục ngàn tấn đều được các doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chất lượng đáp ứng yêu cầu thiết kế.
Việt Nam cũng đã hình thành ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với khoảng gần 40 doanh nghiệp đạt tổng công suất lắp ráp thiết kế hơn 680.000 xe/năm; sản xuất xe gắn máy với những tiến bộ vượt bậc, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước với tỷ lệ nội địa hoá các loại xe đạt khoảng 85 - 95%, có nhiều sản phẩm, linh kiện phụ tùng xuất khẩu ổn định.
Bên cạnh đó, thiết kế, chế tạo các loại máy biến áp phục vụ cho nhà máy điện, hệ thống truyền tải; sản xuất được các loại cáp điện, cáp quang phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu...
“Đặc biệt, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong các quốc gia ở Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV. Ngành cơ khí dầu khí lần đầu tiên đã chế tạo thành công và đưa vào hoạt động giàn khoan tự nâng, thay thế sản phẩm nhập khẩu”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Công Thương, cùng với các cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, khoa học và công nghệ đã góp phần tạo ra những chuyển biến của ngành khi tác động vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo đến hoàn thiện sản phẩm… giúp các doanh nghiệp cơ khí cải tiến năng suất, chất lượng và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm góp phần chung cho sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước nâng cao tiềm lực, đổi mới công nghệ, làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm.
Phát triển sản xuất cơ khí tự động hóa tích hợp công nghệ cao
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, phải nhìn nhận thực tế là năng lực và trình độ ngành cơ khí còn thấp. Trình độ công nghệ ngành cơ khí Việt Nam chưa theo kịp với thế giới có một phần nguyên nhân đến từ việc cụ thể hóa những cơ chế, các chính sách hỗ trợ còn chưa thật sự đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Mặt khác, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm so với nhu cầu ngành cơ khí chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, chưa coi trọng đầu tư cho việc đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, nhân lực khoa học và công nghệ trong công nghiệp cơ khí còn thiếu hụt, môi trường chưa đủ hấp dẫn và khuyến khích đội ngũ trí thức có trình độ cao trong lĩnh vực cơ khí trong và ngoài nước tham gia hoạt động.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phát triển, xứng đáng với tầm vóc và vai trò trong nền kinh tế, thời gian tới, Bộ Công thương xác định các hoạt động trọng tâm về khoa học và công nghệ, trong đó xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bộ cũng sẽ tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành kinh tế...
Đặc biệt, rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
Số lần xem: 24